Sau bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor, Tạp chí DL TPHCM đã giới thiệu cùng bạn đọc trước đây, trong số này, Ban biên tập xin giới thiệu tiếp cùng bạn đọc một bảo tàng khá hấp dẫn vừa mới khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 11/7/2020.

Đoàn Press trip CLB Phóng viên Du lịch TPHCM 

Tọa lạc ở vị trí vô cùng thuận lợi ngay tại Bãi Trước, bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện lưu giữ và tổng hợp nhiều tư liệu lịch sử quý giá, các giai đoạn hình thành và phát triển của địa phương cùng hơn 28.000 tài liệu, hiện vật và tư liệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xây dựng trong viên khu đất Bạch Dinh rộng hơn 18.000m² với khối kiến trúc hiện đại 7 tầng (4 tầng chính và 3 tầng gác thấp).

Khu vực sảnh đón tại tầng trệt thoáng đãng, rộng rãi; ngay trung tâm là bản đồ mô hình chi tiết tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 98 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; được khởi công từ đầu năm 2011 và hoàn thành phần xây dựng vào cuối năm 2015.

Với diện tích xây dựng khoảng 3.300 m² bao gồm các hạng mục: phòng làm việc, phòng trưng bày, phòng kỹ thuật, phòng sinh hoạt đa năng, phòng chiếu phim, sân khấu ngoài trời, khuôn viên cây xanh, nhà bảo vệ, nhà để xe và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. 

Công trình là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn cho người dân và du khách

Không gian trưng bày chiếm diện tích 3.038 m², gồm sảnh đón, kho bảo quản và các khu vực trưng bày theo 6 chủ đề:

Đất nước con người BR-VT

BR-VT thời tiền – sơ sử

BR-VT thời khẩn hoang mở đất thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX

BR-VT thời kỳ 1859 – 1975

BR-VT thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc (từ 1975 đến nay)

Sưu tập cổ vật BR-VT

Tháng 7/2020, Bảo tàng khánh thành nhà trưng bày và mở cửa đón khách tham quan. Hệ thống trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng gồm nhiều chuyên đề với hàng ngàn tư liệu hình ảnh và hiện vật tiêu biểu, phản ánh khái quát về lịch sử thiên nhiên và con người Bà Rịa – Vũng Tàu từ thời Tiền – Sơ sử đến ngày nay.

Vừa đặt chân vào tầng 1, du khách ngỡ ngàng với “pho sử sống động” cùng những bộ sưu tập hiện vật gốc, kể những câu chuyện thú vị và hấp dẫn về lịch sử tỉnh BR-VT từ truyền thống đến hiện đại

Tái hiện khung cảnh sinh hoạt thuở xa xưa với các làng nghề truyền thống: nghề rèn, đúc đồng, dệt chiếu, làm muối, nấu rượu, bánh tráng…

Các chủ đề được thể hiện bằng hiện vật, mô hình, phối cảnh, tranh 3D v.v.. vô cùng trực quan, sinh động.

Qua đó, giúp người xem hiểu thêm về văn hóa, con người, lịch sử vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu từ khi khẩn hoan lập đất, giai đoạn thành lập, đến các thời kì kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến nay.

Khung cảnh miền quê dân dã, bà con sinh hoạt đờn ca tài tử 

Cùng các nhạc cụ và hình ảnh minh họa 

Không gian sinh hoạt bên trong một ngôi nhà người Kinh

Không gian trưng bày hiện đại, gồm nhiều hình ảnh thể hiện sự đổi mới, phát triển của nền kinh tế địa phương qua nhiều năm tháng bao gồm đánh bắt thủy hải sản, dầu khí, bến cảng, du lịch, làng nghề truyền thống.

Tái hiện khung cảnh sinh hoạt tại các làng nghề cùng Bảng thuyết minh chi tiết giúp du khách tìm hiểu kỹ hơn về đời sống của bà con

Du khách thích thú sử dụng màn hình cảm ứng hiện đại

Điểm nhấn tại Tầng 2, du khách sẽ được mục kích trận chiến tại pháo đài Phước Thắng (Núi Lớn, Vũng Tàu). Tại đây vào ngày 10/2/1859, quan quân Triều đình Nhà Nguyễn nã loạt đạn pháo vào đoàn tàu chiến liên quân Pháp – Tây Ban Nha khi đang tiến vào vịnh Hàng Dừa, mở màn cho cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của quân dân Bà Rịa – Vũng Tàu và Nam Bộ.

Sa bàn trận chiến tại pháo đài Phước Thắng

Các khẩu Thần công thời quân dân Nam bộ kháng Pháp hiện được trưng bày tại Bảo tàng còn khá nguyên vẹn

Đặc biệt tại tầng 3, không gian trên cùng là nơi hiện đang lưu giữ một số lượng lớn cổ vật thu được từ những con tàu đắm ở các vùng biển phía Nam.

Vô cùng ấn tượng với không gian trưng bày hai bộ sưu tập gốm sứ Trung hoa TK 17-18 gồm hơn 105 cổ vật, thu hút đông đảo du khách quan tâm. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày bộ vũ khí 7 hiện vật được tìm thấy ở huyện Long Đất.

Bộ sưu tập súng thần công trục vớt từ các xác tàu đắm

Nội thất khu trưng bày cổ vật được thiết kế như bên trong một con tàu vô cùng ấn tượng đối với du khách

Hải trình giao thương quốc tế của những con tàu buôn Đông – Tây đã để lại dưới đáy sâu vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu nhiểu cổ vật quý giá có niên đại hàng thế kỉ.

Bộ sưu tập gốm sứ Châu Âu

Các bình gốm sứ cổ từ thời nhà Đường

Trong khuôn khổ Chương trình công bố, giới thiệu điểm đến an toàn và kích cầu du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sáng ngày 2 và 3/10/2020, đoàn Press trip CLB Phóng viên Du lịch TPHCM gồm nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài TW và địa phương đóng trên địa bàn TPHCM đã có dịp tham quan, khảo sát một số tuyến điểm du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu: Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng thiên nhiên Bình Châu Resort, Tổ hợp du lịch nghĩ dưỡng giải trí Novaland Hồ Tràm – Bình Châu và Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đoàn Presstrip tham quan không gian trưng bày nổi trên mặt đất vô cùng sống động

Nơi tái hiện không gian Khu di chỉ mộ vò Cồn Miếu Bà – Côn Đảo 

Đoàn Presstrip tham quan bản đồ mô hình toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thể hiện chi tiết, trực quan

Ngoài ra, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, cảng biển, dầu khí, du lịch… cũng được mô hình hóa sinh động, hấp dẫn. Các hiện vật này gồm rất nhiều các lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu như: bộ sưu tập cổ vật, các di tích khảo cổ học, hiện vật về các nghề thủ công truyền thống… tư liệu lịch sử qua các thời kỳ khác nhau.

Mô hình Giàn Khoan tại Tầng 3, Khu D2 – Thành tựu kinh tế biển

Kể từ khi khánh thành đến nay, bảo tàng mở cửa miễn phí phục vụ người dân và du khách tham quan tại địa chỉ: số 4-6, đường Trần Phú, Phường 1, TP Vũng Tàu.

Hữu Long
https://tcdulichtphcm.vn/