Ngày ngày chui trong lòng cống, có khi phải trầm mình trong nước bẩn, cả người lấm lem bùn đen, ám mùi xú uế… Công việc nạo vét cống rãnh của những công nhân thoát nước vô cùng vất vả, và không phải ai cũng muốn làm.

Làm bạn với bùn đen, rác bẩn

Phải đợi 30 phút cho khí độc bay bớt từ miệng hố ga vừa được bật nắp, ông Tùng mới vịn tay vào gờ cống, thả người xuống làn nước bẩn, bì bõm lội sâu vào lòng cống ngập ngụa rác, lổn ngổn những cáp quang, đường ống nước, dây điện ngầm… giăng mắc. Khom lưng xúc từng xẻng bùn cát nặng oằn tay – thứ bùn đen đặc sệt, bốc mùi hôi thối của rác thải ngâm lâu ngày trong nước; chẳng mấy chốc những xô bùn đen đặc quánh được ông Tùng đẩy ra ngoài miệng cống.

Chờ sẵn phía trên, anh Huân thả dây móc, gập người gồng sức kéo những xô bùn ngập mùi xú uế lên mặt đất. Đứng từ xa mà chúng tôi đã có cảm giác váng đầu, khó chịu vô cùng. Có lẽ chiếc khẩu trang dày cộp anh Huân đang đeo cũng chẳng thể cản nổi những thứ mùi nồng nặc kia xộc vào tận phổi. Và không khó để hình dung người đang ở dưới lòng cống kia còn phải chịu sự ngột ngạt, tức thở đến thế nào!

Tiếp tục “dây chuyền lao động”, anh Toàn đón lấy những xô bùn rác nặng chịch tay từ anh Huân, đổ vào thùng đặc dụng chở bùn, nước đen bắn lên tung tóe. Chỉ một lúc, mặt mũi, người ngợm cả hai anh cũng dính đầy bùn đen, ám mùi rác bẩn.

“Thế này đã ăn thua gì! Có những lúc chúng tôi còn phải cúi người hàng giờ đồng hồ trong lòng cống rộng chỉ 1m mà bùn đất, rác rưởi đã ngập tới 1/3. Bẩn thỉu, đầy khí độc, mà cứ 40 – 50m lòng cống mới có một miệng hố ga để thở.”, anh Huân vừa làm vừa chia sẻ.

Hết ca làm, cả người lấm lem bùn đất, ba người công nhân trên chỉ có xô nước sạch xin được của hộ dân gần đó chia nhau rửa ráy qua loa. “Về nhà, là phải sà ngay vào vòi nước trước cửa, kì cọ chân tay sạch sẽ rồi mới vào nhà tắm rửa gội đầu được. Quần áo lao động phải giặt riêng, chứ “ném” chung là ám mùi sang hết quần áo khác”, chưa dứt, anh Toàn còn tếu táo: “Nghề này là nghề ăn cơm thì ít “ăn” bột giặt, xà bông thì nhiều!”.

nạo vét hố ga

Mượn sức nước, thuyền tôn trở thành phương tiện chở bùn rác giảm bớt vất vả cho công nhân.

Đối mặt với nguy hiểm, độc hại

Dẫu có các loại máy móc hiện đại như máy hút, thổi bùn, song luôn bị rác làm tắc nghẽn; gặp gạch đá, bùn cát khô thì không phát huy được tác dụng nên những người công nhân thoát nước chủ yếu phải làm việc bằng đôi tay và sức lực của mình. Công cụ lao động của họ lúc này là xẻng, xô nhựa, dây chạc, xe rùa hoặc thuyền tôn chở bùn… Thi công ở những cống ngầm ngập nước họ có thể dùng thuyền tôn làm phương tiện chở bùn rác, giảm bớt sức mệt nhọc. Chứ thi công ở những đoạn cống ngầm rộng cao, có mương hở chảy qua, họ phải bắc cầu làm đường di chuyển cho xe rùa vào ra đẩy bùn rác lên. Những chiếc cầu thực chất là những tấm gỗ ván ọp ẹp được ghép lại với nhau một cách tạm bợ và èo uột có thể gãy bất cứ lúc nào.

Cẩn trọng, dò dẫm từng bước trong làn nước đen kịt, lềnh phềnh rác, ông Tùng ngao ngán: “Rác thì đủ loại: túi bóng, chai lọ, hộp xốp, cành cây, gạch vữa, cả xác động vật chết thối rữa… nhưng sợ nhất là mảnh chai, kim tiêm, tre nứa, mảnh ván cốp pha đầy đinh gỉ… người ta cứ tiện tay liệng xuống, chẳng nghĩ đến nỗi khổ của những người như chúng tôi đâu! Thế nên, chuyện bị thủng chân, đứt tay, phải đi tiêm phòng uốn ván là chuyện thường xuyên”.

Anh Toàn tiếp lời: “Nghề này chẳng nói trước được gì. Tai nạn luôn rình rập! Có người “dính” liên tục 3 – 4 “phát” trong một tháng. Có người vừa hôm trước đưa đồng nghiệp đi chích uốn ván, hôm sau đã tới lượt mình. Nhưng hãi nhất là phải nạo vét ở những đoạn cống ngầm gần công trường xây dựng, hay các cơ sở sản xuất, nhiều khi người ta xả thẳng hóa chất xuống cống. Chạm vào nước mà cảm giác xót tấy như phỏng da. Rồi phân tươi nổi lềnh phềnh vẫn phải nhắm mắt nhắm mũi mà dọn sạch. Hay có những đoạn cống ngầm nước bệnh viện chảy ra thì chỉ làm được một lúc là lại phải chạy lên để thở vì mùi quá khủng khiếp, không phải người trong nghề chỉ có nôn thốc nôn tháo!”. “Có những bữa làm nhiều ngày trong lòng cống, ngửi phải nhiều khí độc, đêm về cả người đau nhức, ngủ mê mệt như kiểu bị bóng đè vậy”, anh Huân cho biết thêm.

Là công việc phải thi công ngoài trời, mùa mưa lũ, không kể ngày hay đêm, họ phải đứng trực ở những điểm hay xảy ra ngập lụt nặng dù mưa to, sấm sét, để móc, vớt rác tắc ở miệng hàm ếch cho nước thoát được xuống cống, không gây ngập lụt đường. Mùa nóng, thời tiết oi bức, mùi rác thải, mùi khí độc càng bốc lên nồng nặc. “Chẳng phải sợ nắng cháy da, mà chỉ sợ nắng nóng như cái lò nung rác, mùi nó thốc vào tận gan, tận phổi! Mà cái giống rác nó có cái mùi rất kinh khủng, sợ vô cùng!”, anh Huân rùng mình nói.

Lao động trong môi trường độc hại, tiếp xúc với rác bẩn và đủ thứ nguy hiểm ẩn mình dưới làn nước đen đặc, ô nhiễm nặng nề bắt buộc công nhân thoát nước phải sử dụng đồ bảo hộ, song chúng cũng lại là nỗi khổ với họ. Quần áo lội nước (dạng quần áo cao su) gây nóng bức, khó chịu, vướng víu khi đi lại trong nước; mũ bảo hộ thì cứng, bóp chặt lấy đầu, mồ hồ chảy không thấm được cứ thành dòng xối thẳng vào mắt cay xè; vốn làm việc trong điều kiện thiếu không khí, khẩu trang khiến họ càng thêm bí thở, mà gặp nước thì ướt ngay, nhưng không có thì cũng không được…

Bị đau mắt, xoang mũi, viêm họng, viêm phổi, hay những bệnh ngoài da (mẩn ngứa, nấm da…) với công nhân thoát nước là “chuyện thường như cơm bữa”, và phải chấp nhận sống chung với chúng. Bởi ngay từ khi đến với nghề họ đã được xác định: đây không chỉ là một công việc vất vả mà còn độc hại và nguy hiểm!

Những cây cầu gỗ ván được bắc tạm bợ làm đường cho xe rùa di chuyển

“Chỉ mong con cái sau này có công việc tốt hơn, không phải vất vả như mình. Còn mình đến lúc về hưu vẫn giữ được sức khỏe, không làm gánh nặng cho vợ con, là tốt lắm rồi!”, đó là mong ước chung của nhiều người công nhân đang làm nghề này.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

—————————–

Thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những công nhân vệ sinh nạo vét hố ga, công ty TNHH SiGen đã nghiên cứu và phát triển giải pháp “Thiết bị nâng hạ, nạo vét hố ga và vận chuyển đa năng”. Thiết bị giúp công nhân vệ sinh đô thị làm việc dễ dàng, an toàn và tăng năng suất lao động vì không cần chui xuống hố ga, không phải ngâm mình dưới nước cống độc hại, tránh hít phải khí độc và những tai nạn tiềm ẩn dưới cống.

Thiết bị còn có thể tải được hàng trăm kg dụng cụ, vật tư thay thế cho việc mang vác của công nhân, đồng thời giảm thiểu sự hư hỏng, xuống cấp của tấm đan và miệng hố ga. Thiết kế đơn giản, gọn nhẹ còn giúp vận chuyển và vận hành thuận tiện, tiếp cận hầu hết các vị trí làm việc, giúp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

————————————-

Liên hệ tư vấn và đặt hàng: 

Công ty TNHH SiGen 

Điện thoại: (+84)913687227 (Mr. Vẻ) – Website: Sigen.vn 

Email: sigenltd@gmail.comhovietve@gmail.com 

Địa chỉ: 106 Huyền Trân Công Chúa, P.8, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu