Sáng ngày 23/8/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (Liên hiệp hội) phối hợp với Công ty TNHH Sigen, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo Ứng dụng giải pháp công nghệ mới: Hệ thống hố ga thu nước, ngăn mùi chống muỗi nhằm phổ biến sáng kiến, sáng chế mới đã được công nhận và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung trên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam; ông Trần Như Đăng Tuyên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các ông bà đại diện cho một số sở, ban, ngành, quận, huyện; một số đơn vị, doanh nghiệp; một số Hội thành viên, đơn vị trực thuộc Liên hiệp hội Đà Nẵng và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Đà Nẵng đến dự và đưa tin.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại hội thảo

Hệ thống thu gom, thoát nước thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được đầu tư mạnh mẽ từ năm 1995 kết hợp với việc mở rộng, phát triển đô thị. Hệ thống thoát nước mưa, nước thải của thành phố Đà Nẵng chủ yếu vẫn là hệ thống thoát nước nửa riêng.

Các tuyến cống chung vừa đảm nhận nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, vừa thu gom, chuyển tải nước thải đến các tuyến ống thu gom tự chảy bố trí dọc sông Hàn, biển Đà Nẵng. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải đo thị thuộc Dự án thoát nước và vệ sinh thành phố Đà Nẵng đã được đưa vào sử dụng tháng 12/2007, có nhiệm vụ thu gom và xử lý nước thải cho khu vực các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Hiện nay, mạng lưới thu gom nước thải đô thị thành phố đã xây dựng được hệ thống tuyến ống cáp 1, thu gom toàn bộ nước chảy vào các tuyến cống chung của các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, không cho nước thải chảy ra sông hàn, vịnh và biển Đà Nẵng. Hệ thống thoát nước thải hiện có của thành phố chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Nước thải của thành phố được thu gom bằng tuyến cống bao ven biển, ven sông, ven hồ và ven kênh qua các giếng chuyển dòng, chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung, chỉ có một phần rất ít các khu quy hoạch mới là hệ thống thu gom riêng. Riêng các khu công nghiệp đều thoát nước riêng hoàn toàn và có trạm xử lý nước thải tập trung riêng.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 10 trạm xử lý nước thải với tổng quy mô công suất là 380.500 m3/ngđ. Hệ thống thoát nước đô thị do được đầu tư qua nhiều thời kỳ nên một số hệ thống cống cũ, chưa được khớp nối hoàn chỉnh, hạ tầng thoát nước nhiều khu vực xuống cấp, quá tải, không còn hồ sơ, bản vẽ hoặc có bản vẽ nhưng không khớp nối với thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và cấp phép đấu nối cũng như chia sẻ thông tin cho các đơn vị liên quan khi xây dựng hạ tầng ngầm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cáp quang, điện thoại, điện ngầm, ống nước cấp… lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước…

Tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải, xe tải trọng chạy lên vỉa hè… Công tác tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh và đảm bảo an toàn hệ thống thoát nước nhiều nơi chưa được chú trọng, người dân tự ý bít miệng cửa thu hoặc xả rác thải xuống cống nên khả năng thoát nước trong mùa mưa bị hạn chế, rác thải do người dân để rác trước nhà, khi trời mưa rác bị trôi đến cửa thu nước dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ, nước ứ đọng trên đường nên phải thực hiện công tác khơi thông nhiều lần trong ngày…

Tình trạng ô nhiễm nước tại một số tuyến kênh, ao, hồ do vẫn tiếp nhận nước thải. Bên cạnh đó, khi có mưa, nước thải được hòa lẫn với nước mưa đổ ra biển, sông, ao hồ đô thị làm phá vỡ cảnh quan, gây phản cảm, phát sinh mùi hôi. Ngoài ra, nhiều cửa xả, trạm bơm nước thải, cấu trúc tách dòng được bố trí ven biển và bố trí quá gần mép nước nên thường xuyên bị cát bồi lấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành. Tại các cửa thu nước mưa thường xuyên phát sinh mùi hôi do không có cấu trúc ngăn mùi. Vì vậy, người dân sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau để bịt kín cửa thu, gây mất mỹ quan và làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, gây ngập úng cục bộ khi trời mưa lớn…

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 09 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập kéo dài, như: 06 điểm đang triển khai thi công tại các khu vực Trung Nghĩa thuộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê (Tuyến cống hạ lưu Khe Cạn); xung quanh đồi Trung Sơn; cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh (Tuyến đường Trục I Tây Bắc – đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến nút giao Quốc lộ 1A và đường Nguyễn An Ninh nối dài – đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A); kiệt 96 đường Điện Biên Phủ; đường Hà Huy Tập, đoạn xung quanh Trường Huỳnh Ngọc Huệ; kiệt 818 đường Trần Cao Vân và 03 điểm đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư tại khu vực đường Trần Xuân Lê và vùng lân cận; khu vực đường Tống Phước Phổ; khu vực đường Lê Tấn Trung và vùng lân cận.

Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố hiện nay ngoài các nguyên nhân khách quan như: Tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có, phần lớn, hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp; hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập; tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy; một số khu vực vùng ven có tình trạng xây dựng nhà trái phép (trên đất nông nghiệp trước đây), không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng thì còn có một số nguyên nhân chủ quan do một số dự án, công trình đã được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng (đường Lê Tấn Trung, xung quanh cổng ra vào KCN Hòa Khánh); một số công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý, dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên; công tác quản lý, vận hành; một bộ phận không nhỏ người dân còn tình trạng xả rác xuống cống thoát nước hoặc tự ý che đậy, cải tạo làm lấp các cửa thu nước, làm giảm khả năng thu nước; nhiều đơn vị thi công trong quá trình thi công cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường không khơi thông, dọn dẹp xà bần, giá hạ sau khi hoàn thiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của cống…

Ngoài các kiến nghị của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng về một số giải pháp nhằm khắc phục phần nào các tồn tại của hệ thống thoát nước, giảm tình trạng ngập úng đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì cũng tại hội thảo, Công ty TNHH Sigen cũng đã giới thiệu 01 ứng dụng giải pháp công nghệ mới: Hệ thống hố ga thu nước, ngăn mùi chống muỗi (gọi tắt Giải pháp). Giải pháp đột phá, được đánh giá là khắc phục, giải quyết được những nhược điểm cơ bản, còn tồn tại trong các hố ga thu nước hiện nay nói trên tại thành phố Đà Nẵng, nhằm góp phần xây dựng môi trường đô thị trong lành và bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo ông Hồ Viết Vẻ, Giám đốc Công ty TNHH SIGEN cho biết, chức năng “3 trong 1” gồm “thu nước, ngăn mùi, chống muỗi” của giải pháp công nghệ mới được nghiên cứu, cải tiến trong nhiều năm và xuất phát từ việc giải quyết những bất cập trong thực tiễn sử dụng. Sản phẩm không những đạt các tiêu chuẩn Việt Nam mà còn đa dạng về sản phẩm, giá thành rẻ, tiện lợi trong lắp đặt, sử dụng ở những môi trường khác nhau, giải quyết được tình trạng ngập nước trên các tuyến đường và ô nhiễm môi trường từ hố ga. Giải pháp của Công ty SIGEN gồm hố ga chính có nắp, hố ga phụ nối với hố ga chính dưới dạng chảy tràn. Tại hố ga phụ có một đường thông đáy thông với hố ga chính, có ít nhất một tấm chặn đàn hồi bít kín, không cho mùi cống rãnh từ hệ thống thoát ra ngoài nhưng vẫn cho phép nước đi qua. Cụ thể, một bộ phận thoát nước ngăn mùi được lắp vào đường thông đáy, nhờ đó một phần nước từ hố ga phụ sẽ thẩm thấu và theo đường thông đáy chảy sang hố ga chính nhưng không cho khí từ hố ga chính thoát ra theo chiều ngược lại. Nhờ có bộ phận thoát nước ngăn mùi lắp vào đường thông đáy, hố ga phụ luôn được khô ráo, đồng thời ngăn chặn triệt để sự sinh trưởng, phát triển của muỗi. Hệ thống hố ga trên có thể áp dụng ở mọi hệ thống thoát nước thải đô thị, trường học, bệnh viện, khu chợ, gia đình… Giải pháp của Công ty TNHH Sigen đạt nhiều giải thưởng cao tại các Cuộc thi, Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp toàn quốc; được Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm định. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế; bằng độc quyền giải pháp hữu ích; bằng kiểu dáng công nghiệp… và đã lắp đặt hơn 5 nghìn sản phẩm tại các tỉnh, thành trên cả nước gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Phú Yên, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Sơn La…

Một số đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức tại hội thảo

Trong phần thảo luận đầy sôi nổi, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi để lãnh đạo Công ty TNHH Sigen trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung xoay quanh các vấn đề về kỹ thuật, khả năng áp dụng, định mức đầu tư và thi công… Cũng tại hội thảo, ông Hồ Viết Vẻ – Giám đốc Công ty TNHH Sigen có mong muốn trong tương lai sẽ được phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố Đà Nẵng để lắp đặt thí điểm mô hình tại một số khu vực thường xuyên bị ngập nước và người dân có bức xúc vì mùi hôi, côn trùng, động vật gây hại từ dưới công lên để đánh giá hiệu quả nhằm có khả năng nhân rộng trên địa bàn thành phố./

Nguồn: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng